Để làm giảm nguy cơ mắc phải các hội chứng SIDS, việc biết được những tư thế an toàn và không an toàn khi ngủ cho trẻ là vô cùng quan trọng.

Đang xem: Tư thế nằm ngủ an toàn và nguy hiểm nhất cho trẻ sơ sinh

*

Nếu bạn có trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh ở nhà, thì việc biết được những tư thế ngủ an toàn để tránh nguy cơ của hội chứng chết đột ngột ở trẻ sơ sinh (Sudden Infant Death Syndrome – SIDS) là vô cùng quan trọng.

Hội chứng chết đột ngột ở trẻ sơ sinh cướp đi sinh mạng của khoảng gần 2.500 trẻ mỗi năm tại Mỹ, khoảng 80% số ca tử vong bất ngờ của trẻ nhỏ là do hội chứng này gây ra. Do vậy, cách hiệu quả nhất để tránh cho trẻ nguy cơ gặp phải hội chứng SIDS là để trẻ dưới 1 tuổi ngủ ở tư thế an toàn.

Dưới đây là những lời khuyên về tư thế ngủ lý tưởng dành cho trẻ khi ngủ và một số mẹo nhỏ giúp trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có một giấc ngủ ngon và an toàn.

Những thói quen khi ngủ có thể sẽ dẫn đến việc tử vong bất ngờ ngoài mong đợi của trẻ sơ sinh.

Tử vong bất ngờ ngoài mong đợi ở trẻ sơ sinh (Sudden Unexpected Death In Infancy – SUDI) bao gồm cả hội chứng chết đột ngột ở trẻ sơ sinh (SIDS) và các tai nạn gây tử vong bất ngờ cho trẻ khi đang ngủ. Dưới đây là một số thói quen khi ngủ có thể dẫn đến tình trạng này:

– Để trẻ ngủ trong tư thế nằm sấp hoặc nằm nghiêng một bên;

– Để trẻ ngủ trên các bề mặt mềm lún như đệm, ghế sofa, đệm nước, gối hoặc len lông cừu mà không có người lớn hoặc cha mẹ ở bên cạnh;

– Trùm chăn mền che kín đầu và mặt của trẻ (có thể sẽ khiến trẻ bị ngạt thở hoặc quá nóng).

Những tư thế đúng và sai của trẻ khi ngủ

Để làm giảm nguy cơ mắc phải các hội chứng trên, thì việc biết được những tư thế an toàn và không an toàn khi ngủ cho trẻ là vô cùng quan trọng.

1. Nằm ngửa

Trẻ sơ sinh khỏe mạnh, sinh đủ tháng nên được đặt nằm ngửa, kể cả khi nghỉ trưa hay ngủ một giấc dài vào ban đêm. Nằm ngửa là tư thế được chứng minh có thể làm giảm nguy cơ mắc phải hội chứng SIDS ở trẻ sơ sinh và có thể giúp giữ đường thở luôn mở. Viện Sức khỏe Trẻ em và Phát triển Nhân lực quốc gia Hoa Kỳ (The National Institute of Child Health and Human Development – NICHD) coi tư thế ngửa là tư thế ngủ tốt nhất cho trẻ em. Và từ khi Viện Nhi khoa Hoa Kỳ đưa ra khuyến nghị nên để trẻ nằm ngủ ở tư thế ngửa vào năm 1992, thì tỷ lệ mắc phải hội chứng SIDS ở trẻ em Mỹ đã giảm đi hơn 50%. Do vậy, nằm ngửa được coi là tư thế ngủ an toàn khi ngủ cho trẻ.

Những nguy cơ có thể gặp phải khi nằm ngửa

Nếu trẻ bị đặt nằm ngửa trong một thời gian dài mà không thay đổi tư thế, thì có thể sẽ dẫn đến một tình trạng mà chúng ta quen gọi là “đầu bẹt”. May mắn thay hình dạng đầu của trẻ sẽ trở về bình thường khi trẻ bước sang tuổi thứ hai và rất hiếm khi tình trạng đầu bẹt cần tới can thiệp về mặt y khoa.

Một số kỹ thuật thay đổi tư thế bạn có thể áp dụng để tránh tình trạng bẹt đầu ở trẻ khi nằm ngửa bao gồm:

– Tăng thời gian để trẻ nằm sấp trên bụng bạn hoặc trên giường, khi trẻ còn đang thức;

– Đặt đầu của trẻ xoay về phía bên ngược lại so với bên đầu bị bẹt;

– Giảm thời gian trẻ nằm trong nôi, cũi hoặc ghế ngồi của xe ô tô;

– Dành nhiều thời gian âu yếm trẻ hơn;

– Thay đổi hướng nằm của trẻ trong cũi, để trẻ không bị nhìn mãi một vật theo một hướng, vì điều này sẽ dễ làm đầu trẻ bị bẹt.

2. Nằm sấp

Có rất nhiều tài liệu không khuyến khích cha mẹ để trẻ nằm sấp bởi rất nhiều nguyên nhân:

– Nằm sấp sẽ làm tăng áp lực lên hàm của trẻ và làm hẹp đường thở, làm giảm lượng không khí lưu thông;

– Nếu trẻ nằm sấp, trẻ có thể sẽ bị đặt mặt rất gần ga gối, khiến không khí kém lưu thông. Do vậy, lượng khí trẻ thở ra và hít vào sẽ không được “làm mới”, và trẻ có thể sẽ hít phải lượng khí có nhiều CO2 hơn;

– Nếu trẻ nằm trên đệm/gối mềm và lún thì trẻ có thể sẽ bị ngạt thở trong tư thế nằm sấp;

– Trẻ có thể sẽ hít phải các vi sinh vật có trên đệm, gối.

​Tình huống nào nên để trẻ nằm sấp khi ngủ?

Trong một số trường hợp hiếm, do một số tình trạng sức khỏe đặc biêt của trẻ, bác sĩ có thể sẽ khuyên cha mẹ đặt trẻ ngủ trong tư thế nằm sấp, thay vì nằm ngửa, ví dụ như: Một số bác sĩ cho rằng, nằm sấp sẽ tốt cho những trẻ bị chứng trào ngược dạ dày thực quản nặng hoặc những trẻ mắc phải các bất thường về đường hô hấp trên, ví dụ như mắc phải hội chứng Pierre Robin (là hội chứng có thể dẫn đến các cơn tắc nghẽn đường thở cấp tính). Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh được lợi ích của việc nằm sấp cả. Do vậy, các bác sĩ cũng như các bậc phụ huynh nên cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của việc cho trẻ nằm sấp trước khi áp dụng.

Ngoài ra, điều gây tranh cãi lớn nhất về việc cho trẻ nằm sấp đó là mức độ nguy hiểm của việc nôn mửa ở trẻ. Một số bác sĩ cho rằng, khi nằm sấp, trẻ có thể sẽ bị nôn mửa và sẽ gây nguy hiểm cho trẻ bởi việc này sẽ khiến trẻ bị nghẹn do không đủ lực để quay đầu lại.

3. Nằm nghiêng về một bên

Để trẻ nằm nghiêng được coi là không an toàn vì sẽ gây ra những tác động nhất định lên bụng của trẻ và có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng SIDS.

10 mẹo giúp giữ an toàn cho trẻ nhỏ trong khi ngủ

– Tránh nằm trên giường lún: Tốt nhất, bạn nên sử dụng một loại đệm cứng cho trẻ, thay vì các loại đệm mềm lún hoặc đệm nước. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, bạn không nên sử dụng các loại đệm gối mềm, bằng bông hoặc để các loại thú nhồi bông trong khu vực ngủ của trẻ. Nói cách khác, bất cứ thứ gì có thể trùm lên hoặc che phủ đầu trẻ trong khi ngủ thì bạn nên tránh sử dụng.

Xem thêm: Thường Xuyên Bị Tiêu Chảy Là Bệnh Gì ? Triệu Chứng, Nguyên Nhân Và Điều Trị Bệnh

– Không sử dụng các dụng cụ hỗ trợ nôi/cũi: Không cần thiết phải sử dụng gối có hình nêm, chăn mền để đệm phía dưới chân của trẻ. Hãy để trẻ ngủ khi chân có thể chạm được vào phần cuối của nôi/cũi. Dùng đệm vừa khít với kích thước nôi và chèn ga đệm thật chặt. Khung nôi/cũi nên đủ cao để trẻ không thể bò hoặc trườn ra được.

– Tránh không che, trùm đầu của trẻ: Chăn chỉ nên được đắp ngang ngực của trẻ và nên để hai tay của trẻ ra ngoài chăn để tránh tình trạng chăn có thể di chuyển, trùm lên đầu trẻ gây ngạt thở. Bạn có thể dùng chăn làm từ cotton nhẹ hoặc vải màn để tránh tình trạng trẻ lăn, quấn chăn trong khi ngủ.

– Tránh không để trẻ bị quá nóng: Khi ngủ, nên cho trẻ mặc quần áo nhẹ nhàng. Không nên bó, quấn trẻ quá chặt khi ngủ và thường xuyên kiểm tra bằng cách chạm vào da trẻ xem trẻ có bị nóng quá hay không.

– Tạo môi trường thoải mái khi ngủ: Đây là một điều rất quan trọng. Hãy để trẻ ngủ trong môi trưởng đủ mát, thoải mái với nhiệt độ quanh khoảng 20 độ C cho trẻ.

– Tiêm chủng: Một nghiên cứu tại trường Y tế công cộng Berlin đã cho thấy rằng: Việc tăng mức độ bao phủ của vaccine bạch hầu – uốn ván – ho gà sẽ có liên quan tới việc giảm tỷ lệ tử vong do SIDS. Những khuyến cáo mới nhất về lịch tiêm chủng loại vaccine này cần nhấn mạnh đến việc không chỉ giúp trẻ phòng ngừa một số bệnh nhiễm trùng mà còn có thể giúp dự phòng được nguy cơ mắc phải hội chứng SIDS. Do vậy, hãy đảm bảo rằng trẻ đã được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine cần thiết.

– Sử dụng núm vú giả: Viện Nhi khoa Hoa Kỳ đang cân nhắc đến việc sử dụng núm vú giả để dự phòng hội chứng SIDS. Tuy nhiên, nếu trẻ không muốn dùng hoặc nếu núm vú giả thường xuyên bị rơi ra khỏi miệng trẻ, thì bạn cũng không nên ép trẻ dùng nữa. Nếu bạn đang cho trẻ bú, thì bạn nên đợi đến khi trẻ hình thành thói quen bú mẹ tốt rồi hãy cho trẻ dùng núm vú giả. Sẽ mất từ 3-4 tuần để trẻ hình thành thói quen này.

– Sử dụng công nghệ: Ngày nay, có rất nhiều thiết bị công nghệ hoặc các ứng dụng hiện đại có thể được sử dụng để giúp bạn theo dõi trẻ qua màn hình camera, để biết được nhiệt độ cơ thể hoặc các dấu hiệu sinh tồn (nhịp tim, hơi thở) của trẻ khi ngủ. Bạn có thể cân nhắc đến việc sử dụng các công nghệ này, nếu được.

– Ngủ chung phòng với trẻ: Cha mẹ nên ngủ chung phòng với trẻ để tiện cho việc cho bú vào ban đêm và theo dõi trẻ. Bạn có thể đặt nôi, cũi của trẻ gần với giường ngủ của bạn để tiện cho việc chăm sóc trẻ.

– Không ngủ cùng giường với trẻ: Lý tưởng nhất, trẻ sơ sinh không nên ngủ cùng giường với cha mẹ, người lớn hoặc anh chị em ruột hay các trẻ khác. Trẻ sinh đôi, sinh ba nên được ngủ riêng rẽ. Nếu bản thân bạn hoặc vợ/chồng là người uống rượu, hút thuốc hoặc dùng một số loại thuốc ngủ thì bạn lại càng không nên để trẻ ngủ chung giường. Hút thuốc hoặc sử dụng một số chất như thuốc hoặc rượu có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc phải hội chứng SIDS và tăng nguy cơ bị ngạt thở của trẻ, nếu ngủ chung giường.

Những câu hỏi thường gặp

Nên làm gì khi trẻ lăn và nằm sấp khi ngủ?

Khi được 4-5 tháng tuổi, trẻ có thể lăn và chuyển từ tư thế nằm ngửa ban đầu sang tư thế nằm sấp. Điều này không sao cả vì khi được 4-5 tháng, nguy cơ mắc hội chứng SIDS đã giảm đi đáng kể. Hãy để trẻ tự tìm được tư thế ngủ thích hợp và phải đảm bảo rằng, nếu trẻ nằm sấp, thì mặt của trẻ sẽ nghiêng về một bên để miệng và mũi được thoáng khí. Tuy nhiên, khi mới đặt trẻ ngủ, bạn vẫn nên đặt trẻ ở tư thế nằm ngửa.

Bạn cũng nên biết rằng, nguy cơ mắc phải hội chứng SIDS cao nhất trong khoảng từ 1-4 tháng tuổi, sau đó nguy cơ sẽ giảm dần cho tới khi trẻ được 12 tháng. Do vậy, bạn vẫn cần phải thực hiện một số chú ý để làm giảm nguy cơ mắc SIDS của trẻ cho đến khi trẻ đủ 1 tuổi.

Trẻ có thể sẽ bị nôn trớ khi nằm ngửa không?

Nguy cơ bị nôn trớ khi nằm ngửa sẽ rất khó xảy ra nếu trẻ khỏe mạnh, so với việc nằm nghiêng hay nằm sấp. Nằm ngửa cũng sẽ không làm tăng nguy cơ bị nghẹn ở những trẻ bị bệnh trào ngược. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý không nên để trẻ ngậm bình sữa hoặc để trẻ vừa ăn vừa ngủ vì việc này có thể sẽ làm tăng nguy cơ viêm tai và hóc nghẹn.

Nếu trẻ khó ngủ khi nằm ngửa?

Một số trẻ có thể sẽ ngủ không được sâu khi được đặt nằm ngửa, một số còn trở nên quấy khóc nếu được đặt trong tư thế này. Nhưng thà rằng trẻ ngủ không được sâu còn hơn là bạn làm tăng nguy cơ tử vong đột ngột ở trẻ. Một lý do khác khiến trẻ không nên nằm sấp khi ngủ đó là: Trẻ sơ sinh thường ngủ rất sâu khi ở trong tư thế này, trẻ sẽ chuyển động ít hơn và ít phản ứng lại với những tác động từ môi trường hơn. Do vậy, sẽ làm tăng nguy cơ tử vong vì hội chứng SIDS của trẻ.

Một số trẻ bị ngạt mũi và có thể sẽ không thoải mái khi nằm ngửa. Trong trường hợp này, hãy đặt một máy làm ẩm không khí trong phòng của trẻ để giữ độ ẩm và làm loãng dịch nhầy của mũi. Nâng đầu của trẻ hơi cao khi ngủ cũng có thể sẽ giúp ích.

Xem thêm: Điều Trị Bệnh Thông Liên Nhĩ Có Nguy Hiểm Không, Điều Trị Như Thế Nào

Tư thế ngủ thích hợp nhất cho trẻ sinh non?

Theo một số nghiên cứu mới đây, trẻ sinh non sẽ có nguy cơ mắc phải hội chứng chết đột ngột cao hơn và trẻ sinh non cũng nên được đặt ngủ trong tư thế nằm ngửa. Tuy nhiên, với những trẻ đang phải nằm nội trú và được theo dõi chặt chẽ trong bệnh viện, thì việc nằm sấp cũng sẽ được chấp nhận trong trường hợp trẻ sinh non mắc các bệnh về hô hấp cấp tính./.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *