(ĐCSVN) – Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân như tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm nhanh và bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn ở mức cao.
Đang xem: Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi năm 2016
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Cộng tác viên báo chí nhân Ngày Vi chất dinh dưỡng (1 và 2/6) năm 2018, với thông điệp “Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống” do Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức chiều 25/5, tại Hà Nội.
Tại hội nghị, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Lê Danh Tuyên cho biết: Hàng năm, có gần 1 triệu trẻ dưới 5 tuổi được cải thiện tình trạng thiếu vitamin A nhờ hoạt động bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ từ 6 – 36 tháng tuổi ở 41 tỉnh/thành và từ 6 – 60 tháng tuổi ở 22 tỉnh khó khăn mỗi năm 2 lần, bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng được uống 1 liều vitamin A. Hoạt động bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ em và bà mẹ sau sinh đã trở thành hoạt động thường niên của hơn 11.000 xã/phường trong toàn quốc.
Năm nay, trong 2 ngày (1-2/6), chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao được thực hiện theo hướng dẫn cho trẻ từ 6-60 tháng tuổi tại 22 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao và cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi tại 41 tỉnh, thành phố còn lại; trẻ có nguy cơ cao (trẻ suy dinh dưỡng nặng, tiêu chảy kéo dài, viêm đường hô hấp cấp, mắc bệnh sởi…) và bà mẹ sinh con trong vòng 1 tháng. Đồng thời, tẩy giun cho trẻ từ 24 đến dưới 60 tháng tuổi tại 22 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao; tăng cường truyền thông về phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho người dân.
Báo cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia nêu rõ: Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân như tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm nhanh và bền vững (suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 30,1% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và năm 2016 tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 13,8%); đồng thời thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A; tình trạng thiếu vitamin A huyết thanh, thiếu máu do thiếu sắt và thiếu các vi chất dinh dưỡng khác ngày càng được cải thiện; kiến thức, thực hành dinh dưỡng đúng của người dân ngày càng được nâng cao…. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi tính chung cả nước mỗi năm giảm 1% nhưng vẫn còn ở mức cao (24,3% năm 2016) và có sự chênh lệch nhiều giữa các vùng nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng…
Xem thêm: Những Căn Bệnh Chưa Có Thuốc Chữa Trị, 7 Căn Bệnh Lạ Hiếm Gặp Do Rối Loạn Di Truyền
Trước thực trạng trên, hoạt động phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là 1 trong 6 mục tiêu quan trọng của Chiến lược quốc gia dinh dưỡng 2011 – 2020. Theo đó, chiến lược phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng gồm các giải pháp đồng bộ như: Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng có nguy cơ cao là một giải pháp cần thiết để khắc phục nhanh chóng, kịp thời tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng; tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là giải pháp trung hạn; đa dạng hoá bữa ăn là biện pháp cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng một cách lâu dài và bền vững.
Cũng tại hội nghị, TS.BS Trần Khánh Vân, Phó khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, việc thiếu một số vi chất dinh dưỡng quan trọng như iốt, vitamin A, sắt, folate, kẽm, mặc dù rất khó phát hiện, song có thể đưa đến những hậu quả to lớn. Thiếu vi chất dinh dưỡng có thể dẫn đến mù lòa, tổn thương não, thai chết lưu, tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và tử vong ở phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, giảm năng suất lao động ở người trưởng thành. Thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ… Tuy nhiên, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là cuộc chiến bền bỉ để nâng cao năng lực lao động, phát triển trí tuệ, tầm vóc, chất lượng cuộc sống và sức khỏe người dân Việt Nam.
Còn theo Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Lê Danh Tuyên, nguyên nhân của tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là do khẩu phần ăn của người dân không đảm bảo cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng quan trọng cho nhu cầu cơ thể, đặc biệt trong một số giai đoạn quan trọng như phụ nữ đang mang thai, cho con bú, trẻ em đang tuổi lớn.
Theo điều tra khẩu phần của Viện Dinh dưỡng, khẩu phần ăn của người dân Việt Nam hầu hết không đáp ứng đủ 100% nhu cầu về các vitamin và chất khoáng. Bên cạnh đó, vi chất dinh dưỡng từ nguồn thức ăn động vật có giá trị sinh học cao hơn, cơ thể dễ hấp thu và sử dụng hơn so với thức ăn nguồn gốc thực vật, nhưng các thức ăn động vật đều có giá thành cao nên làm giảm sự tiếp cận thường xuyên của người dân với nguồn vi chất dinh dưỡng có giá trị sinh học cao đặc biệt người dân ở nông thôn, miền núi và các vùng khó khăn.
Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, Viện trưởng Lê Danh Tuyên khuyến cáo, các gia đình cần quan tâm đến chăm sóc dinh dưỡng ngay từ tuổi vị thành niên, đặc biệt là giai đoạn mới kết hôn, chuẩn bị làm mẹ. Đặc biệt là dinh dưỡng hợp lý trong 1000 ngày vàng (đầu đời) tức là từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai đến khi trẻ 2 tuổi đóng vai trò hết sức quan trọng. Đảm bảo dinh dưỡng cho phụ nữ trong thời gian mang thai để giúp thai nhi phát triển tốt và bà mẹ có đủ dự trữ các chất dinh dưỡng để nuôi con sau này. Mặt khác, bổ sung viên sắt trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh là rất cần thiết để phòng chống thiếu máu cho cả mẹ và con…
Đặc biệt, bữa ăn hàng ngày của người dân cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng; cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn.
Các gia đình nên sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng cho bữa ăn bổ sung của trẻ; thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu vitamin A, vitamin D.
Xem thêm: Bệnh Viêm Tuyến Mang Tai Có Nguy Hiểm Không ? Đau Mang Tai Là Dấu Hiệu Của Bệnh Gì
Đáng lưu ý, gia đình cần cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A; trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm; thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun. Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn…/.