Là một người Việt Nam, ai cũng ít nhất một lần trào dâng cảm xúc khi cầm trong tay những trang sử thi về thời kỳ chiến đấu bảo vệ tổ quốc vô cùng oanh liệt của dân tộc. Để làm nên chiến thắng ấy, công sức không nhỏ thuộc về những Ga-vơ-rốt Việt Nam yêu nước và dũng cảm. Những chú bé chính là những chiến sĩ thực thụ, với tư cách hết sức đàng hoàng, buộc những người tiếp xúc phải kính trọng. Và, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những tâm hồn đẹp như thế trong cuốn sách “Tuổi thơ dữ dội” của tác giả Phùng Quán.
Đang xem: Review tuổi thơ dữ dội
“Tuổi thơ dữ dội” xoay quanh cuộc sống chiến đấu và sự hi sinh của những thiếu niên 13, 14 tuổi trong hàng ngũ trinh sát trung đoàn Trần Cao Vân. Toán “Vệ Quốc Đoàn con nít” ngây thơ có, khôn ranh có, anh hùng có, cao thượng có… tất cả vô hình trung đã chạm đến mọi ngóc ngách cảm xúc của trái tim bao thế hệ độc giả.
Bối cảnh câu chuyện xảy ra vào thời kỳ gian khó nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xoay quanh những mảnh đời non trẻ với xuất thân khác nhau nhưng cùng tình nguyện gắn bó đời mình với vận mệnh và sự sống còn của Nhân dân và Đất Nước. Tuy nhiên, ấn tượng nhất trong tôi là bốn nhân vật: Quỳnh-sơn-ca, Lượm-sứt, Bồng-da-rắn và em Mừng.
Quỳnh-sơn-ca là đứa con trai út độc nhất của Phó tổng trấn Trung kỳ – một tên “đại Việt gian” chính hiệu, được cưng chiều đùm bọc từ nhỏ, nhưng Quỳnh lại bị thu hút bởi những bài hát cách mạng “hay đến lạ lùng, hay đến phát khóc” và quyết định tham gia Vệ Quốc Đoàn.
Em dùng âm nhạc như một thứ vũ khí riêng để đánh giặc, giúp cổ vũ và vực dậy tinh thần của những chiến sĩ xa nhà bằng những bản nhạc cách mạng sôi sục nghĩa khí. Hoàn cảnh thiếu thốn của bệnh viện chiến khu ngày đó, từ khi có em, bỗng vơi nhẹ bớt. Tiếng rên la, cáu gắt ở các lán bệnh nhân ngày càng một giảm và thay vào đó là tiếng hát, tiếng cười, ngày một nhiều hơn, mọi người gọi đùa em là “Chính ủy của bệnh viện”.
Ngày mà người cha đại Việt gian của em cử hai chị người nhà lên chiến khu xin cho em được trở về Huế với gia đình, người đọc tự hỏi liệu chú bé mười ba tuổi này có đủ bản lĩnh để chống chọi với sự cám dỗ khủng khiếp: sang Thụy Sỹ chữa bệnh và học hành đến lúc thành tài, chiếc đàn dương cầm nhãn hiệu Ý với giá mấy chục lượng vàng… Trong khi đó ở lại chiến khu, em chỉ được ăn những bát cháo gạo loãng, uống thứ nước ký ninh hòa nước trời, viết nhạc lên những ngọn lá vả rừng, có nguy cơ chết đột ngột vì chứng suy tim. Đừng nói một em bé mười ba tuổi, tôi chắc nhiều chiến sĩ lớn tuổi đã từng trải, cũng phải vật lộn đau đớn trong quyết định lựa chọn.
Năm đó là năm gian khổ trầm trọng nhất của cuộc kháng chiến chín năm tại Bình Trị Thiên. Nhiều người bền gan quyết tử, nhưng cũng không ít người xao xuyến phân vân, có những người đã bước tới mấp mé ranh giới của sự ngã lòng, trong tâm tư sâu kín đã manh nha ý muốn rời bỏ hàng ngũ kháng chiến. Vì một sự hết sức tình cờ mà Quỳnh đã trở thành đại diện cho cả hai bên: bên bền gan và bên ngã lòng. Người ta mượn câu chuyện của chú bé để công khai bộc bạch lòng mình trước giờ phút nghiêm trọng của kháng chiến. Người ta hồi hồi chờ đợi cái phút giây chú gặp mặt người nhà để nói lên quyết định lựa chọn của mình. Và em đã không khiến người đọc thất vọng, quyết tâm ở lại chiến khu để “chuộc tội thay cho ba” bởi “tội của ba với kháng chiến to lắm”.
Đứa em có tâm hồn nghệ sĩ ấy đã ra đi, để lại niềm tiếc thương cho tất cả những người đồng đội em từng gặp gỡ. Em ra đi khi mà tâm nguyện sáng tác vở nhạc kịch kể câu chuyện bạn em “Đi tìm thuốc cho mẹ” vẫn còn dở dang. Chú bé ấy chính là hiện thân của mộng tưởng và ý chí chiến đấu của tất cả chiến sĩ trong giai đoạn kháng chiến bi tráng quyết liệt này.
Nhân vật thứ hai mà tôi muốn nhắc đến là Lượm-sứt. Là “con nhà cách mạng lòi”, em đã thực hiện đúng theo lời thề thứ năm trong mười lời thề danh dự của Vệ Quốc Đoàn: “Lỡ bị quân thù bắt được, dù bị cực hình tàn khốc đến thế nào, cũng quyết không bao giờ phản bội xưng khai”.
Sau khi bị bắt cùng tang chứng là hàng ngàn tờ truyền đơn “Giết giặc”, em bị giặc tra tấn lấy cung, khắp người bị đánh không còn lành lặn, “cặp môi sưng vều, khóe mắt chảy dài hai vết máu, khuôn mặt tím bầm như quả bồ quân, hai mí mắt húp lên không mở ra được, hai mắt cá chân như hai quả trứng xanh tím máu đọng; gan bàn chân đỏ hỏn, tấm lưng bé nhỏ ôm tròn những làn roi tím sẫm”, thế nhưng, cậu bé ấy lại không một tiếng kêu khóc. Những hứa hẹn vật chất hấp dẫn của quân giặc em cũng không màng, chỉ một lòng một dạ hướng thủy chung với lý tưởng.
Không những không chịu khuất phục trước những lời dụ dỗ của giặc, Lượm còn tận dụng mọi cơ hội để tìm cách vượt tù. Sau hai lần trốn tù bất thành, em bị liệt vào danh sách “tù nhân cứng đầu và nguy hiểm nhất” phải chuyển sang lao Thừa Phủ – nhà tù lớn nhất ở Huế, được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Hai lớp tường cao vời vợi của nhà ngục Thừa Phủ ấy cũng không làm em từ bỏ việc chuẩn bị cho cuộc vượt ngục lần thứ ba. Và rút kinh nghiệm từ hai lần thất bại trước, lần này em lên kế hoạch tỉ mỉ cẩn thận và đã thành công thoát khỏi xiềng xích của quân thù.
Bao đắng cay, tù túng, tủi nhục trong nhà tù được tác giả Phùng Quán miêu tả rất đạm nét trong suốt nhiều chương của cuốn sách. Mất tự do, mất liên hệ với cách mạng, nhưng trong tâm trí cậu bé ấy vẫn sáng ngời tinh thần của một thiếu niên cộng sản gan dạ với bản lĩnh vững vàng. Trong tù, em tập hợp được các bạn cùng độ tuổi là liên lạc của du kích, bộ đội địa phương thành một đội để bênh vực và giúp đỡ nhau. Hơn thế nữa, em còn thuyết phục được cả những bạn “tù con nít” khác tin tưởng, cảm mến và đi theo con đường cứu quốc mà em đã chọn.
Nhân vật thứ ba là Bồng-da-rắn. Khác với Quỳnh-sơn-ca, Bồng là một chú bé từng trải. Cuộc sống vật lộn để kiếm sống từ tấm bé đã cho em cặp mắt xét đoán người khá tinh. Em đọc chữ còn bập bõm nhưng lại đọc rất nhanh ý nghĩ dù đã được che dấu kín đáo của những người chung quanh. “Em đánh hơn rất thính sự khác ý, sự giả dối và cả lòng chân thật vụng về ở những người em tiếp xúc”, phân biệt được cả “mùi” Việt ngay và Việt gian. Chính nhờ khả năng này, em phát hiện ra tên Việt gian định trà trộn lên chiến khu để làm gián điệp.
Bồng-da-rắn nổi tiếng trong đội Thiếu niên trinh sát là đứa nóng tính. Khi đã nổi nóng em còn không biết kiêng sợ ai. Cả các anh lớn em cũng quát nạt sừng sộ, đôi khi còn văng tục bạt mạng.
Vì có hoàn cảnh khó khăn nên em ít được học hành, đọc chưa thông, viết chưa thạo, nhưng em có một năng khiếu đặc biệt là đánh hơi được rất nhanh và khá chính xác những ý đồ quân sự của cấp chỉ huy qua các yêu cầu về trinh sát địch.
Bằng kinh nghiệm máu của mình và của đồng đội, Lượm đã thấu hiểu cái giá lớn lao của vũ khí trong cuộc đụng độ với kẻ thù. Người đọc chắc chắn sẽ không thể hình ảnh em mạo hiểm quay lại trận địa để tìm súng đạn chiến lợi phẩm mà quân ta bỏ sót, hay hình ảnh em quên thân mình lặn xuống sông sâu mò tìm khẩu súng do người đồng đội đánh rơi khi giặc đang cận kề.
Chính tinh thần cao thượng và lòng dũng cảm phi thường của em đã khiến một chiến sỹ hàng binh người Đức cảm thấy bất ngờ và cảm phục, truyền cảm hứng cho anh vững tâm và tin tưởng hơn khi đứng trong hàng ngũ chiến đấu của quân ta.
Xem thêm: Điểm Chuẩn Tuyển Sinh Lớp 10 Năm 2013, Điểm Chuẩn Vào Lớp 10 Tphcm Năm 2013
Trong tất cả các nhân vật trong chuyện, có lẽ tác giả dành tình cảm cho Mừng là nhiều nhất, bởi vậy nên ngay từ đầu, sự xuất hiện của em cũng thật đặc biệt. Em “lẻn” vào Vệ Quốc Đoàn khi đi đang tìm thuốc cho người mẹ bị bệnh hen suyễn kinh niên. Cậu bé không có lý lịch rõ ràng nhưng với bản chất thật thà, nhanh nhẹn và gan dạ, em được đặc cách nhận vào đội trinh sát và nhanh chóng nhận được tình cảm yêu mến của các bạn đội viên.
Ở mặt trận chiến đấu, em lập công lớn khi dẫn đường thành công cho bộ đội ta tấn công vào một ngôi lầu kiên cố của tên thực dân cáo già, tiêu diệt một bộ phận tham mưu quan trọng của giặc. Hình ảnh của em càng đẹp hơn khi dám xông pha vào nguy hiểm cứu bạn, dù khó khăn vẫn không bỏ mặc người đồng đội của mình.
Lên chiến khu Hòa Mỹ được ít lâu, Mừng được các bạn đặt cho cái biệt hiệu mới là Bộ-xương-cách-trí. Các bạn gọi như vậy vì em gầy giơ hết cả xương sống, xương sườn, gần giống với bộ xương người vẽ trong cuốn sách “Cách trí giáo khoa thư”. Đói ăn, rận, ghẻ, sốt rét làm cho Mừng gầy sút đi, “tưởng như trong em có sinh sống một con gì đó, ngày ngày cứ rứt rỉa thịt em mà ăn”.
Nhưng thật khó tin! Bệnh tật, ốm đau liên miên như vậy, nhưng Mừng lại là chú đội viên chạy liên lạc trèo núi, leo dốc, lội suối cả đội không ai bằng, ngay cả các anh lớn cũng phải tấm tắc khen phục. Do công tác liên lạc, em thuộc làu làu tất cả đường đi lối lại trong chiến khu Hòa Mỹ, thậm chí cả những lối tắt em cũng nắm trong lòng bàn tay, tất cả mọi người đều phải ngạc nhiên trước sức nhớ và thuộc địa hình rừng núi của Mừng.
Vì nhỏ tuổi nhất nên có lẽ Mừng là đứa em ngây thơ nhất trong đội. Những câu chuyện huyên thuyên, ngây thơ, thật thà và có chút khoe khoang kiểu con nít của Mừng về tài đọc bản đồ đã làm cho em vô tình rơi vào cái bẫy của người bạn phản bội (Kim). Mừng không hề một thoáng thắc mắc tại sao anh Kim lại hay hỏi chuyện về tấm bản đồ bố phòng chiến khu tối mật mà đội trưởng cất kỹ trong xà cột.
Bồng từng đưa ra lời nhận xét về Mừng: “Hắn dại quá đi! Thấy cái chi lạ cũng đòi coi, ai nói chi cũng tin. Người ta nói chơi hắn cũng cứ tưởng nói thật. Lừa hắn còn dễ hơn con nít lên ba”. Nếu Mừng có cặp mắt tinh đời như Bồng-da-rắn, có thể em sẽ tránh khỏi những tai họa bi thảm được kể trong chương cuối của cuốn sách. Và cũng có thể em sẽ trở thành một cán bộ quân đội tốt, có gia đình, được hưởng những quyền lợi mà một chiến sĩ như em chắc phải được hưởng. “Nhưng em ngây thơ quá, trong sạch quá. Em không hiểu và cũng không tin, trong cuộc sống mà em đang sống vẫn tồn tại cái ác, cái xấu xa phản trắc, những âm mưu lừa lọc…” nên em phải vĩnh viễn sống mãi ở tuổi mười ba.
Em phát hiện ra người đồng đội (Kim) là gián điệp nhưng quá muộn. Em chỉ còn biết đuổi theo để chặn đầu tên Việt gian và cố gắng bằng tất cả sức lực, em đã phá hỏng được chiếc máy ảnh chứa cuốn phim chụp tấm bản đồ mật của chiến khu. Ý nghĩ bất chợt đến với Kim, rằng “không nộp được cho Tây bản đồ chết thì nộp bằng bản đồ sống”, thế nên Kim trói Mừng lôi đi theo. Cơ thể chỉ toàn xương với da, thế nên Mừng không thể chống cự lại sức khỏe của một người có thân hình vạm vỡ gần gấp đôi em cùng một khẩu súng lục kè kè bên tai.
Thế nhưng, ở chiến khu, ai cũng cho rằng Mừng cùng một giuộc phản bội với Kim, là một tên gián điệp ranh ma, xảo quyệt, sau khi đánh cắp thông tin mật, vì sợ tội nên mới cùng nhau bỏ trốn khỏi chiến khu, đứng về phía giặc.
Tìm cách lẻn trốn lên chiến khu lần nữa, “chào đón” em không phải là vòng tay yêu thương sau lâu ngày gặp lại mà là những lời buộc tội và mắng chửi thậm tệ của chính những đồng đội mà em hết mực yêu quý. Đứa trẻ 13 tuổi ấy khi hiểu ra không một ai tin mình thì chỉ biết “bật khóc nức nở… cả người em run rẩy đau đớn, gương mặt mệt lả, tuyệt vọng”. Cả con người em toát lên nỗi cam chịu, nhẫn nhục của một người biết rằng mình oan uổng mà không có cách gì minh oan được.
Cái chết của em khép lại toàn bộ câu chuyện nhưng đôi dòng thì không thể diễn tả hết cảm xúc của độc giả, nó trọn vẹn nhưng vẫn đầy nuối tiếc, chỉ khi đọc bạn mới có thể cảm nhận được chân thực nhất. Chỉ biết rằng ai đọc đến giây phút em hy sinh cũng sẽ rơi nước mắt, những có lẽ người ta khóc phần nhiều vì cuối cùng em đã được giải oan, đã chứng minh được rằng mình không phải kẻ phản bội. Nhưng chao ôi, ở đời ai lại lấy cái chết ra để chứng minh bản thân trong sạch bao giờ?
Trong tất cả những câu chuyện đã từng đọc qua, tôi phải khẳng định chưa bao giờ bị ám ảnh bởi một cái kết nhiều đến thế. “Anh ơi, anh đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí!” Lời cầu xin khẩn thiết cuối cùng của người chiến sĩ thiếu niên vừa tròn 13 tuổi đời, yếu ớt và nhỏ gần như một hơi thở, nhưng trong khoảnh khắc đó trùm lấp cả tiếng bom đạn giặc, và cả tiếng sấm rền của trận địa mìn.
“Tuổi thơ dữ dội” không phải chỉ kể về riêng bốn em Quỳnh, Lượm, Bồng, Mừng mà còn có sự xuất hiện của những thành viên khác trong đội Thiếu niên trinh sát trung đoàn Trần Cao Vân, cũng gan dạ và nhiệt thành không kém. Đó là Vịnh-sưa gương mẫu kỷ luật thép, “đổi” cả cuộc đời 14 tuổi của mình cho nhiệm vụ; đó là cậu bé Tư-dát liến láu suốt ngày cùng những câu chuyện “kiếm hiệp ba xu” nhưng lại rất quan tâm đồng đội; đó là Vệ-to-đầu luôn đặt nhiệm vụ lên hàng đầu… Đó đây trong cuốn sách ta cũng xuất hiện hình ảnh của những người chỉ huy vững vàng bản lĩnh, những o cấp dưỡng tình cảm, những chị hộ lý dịu dàng và cả các chị tiếp tế mang những bao gạo “nặng trĩu máu nhân dân”.
Xem thêm: Bôi Mật Ong Lên Mặt Có Tác Dụng Gì? 9 Cách Dùng Hiệu Quả Mật Ong Cho Da Mặt: Công Dụng Và Lợi Ích
Gửi lời chân thành tới những ai đang tìm kiếm cho mình một cuốn sách hay: Nếu bạn là fan của dòng văn học cách mạng, muốn cảm nhận rõ bầu không khí kháng chiến gian khổ nhưng đầy hăng hái, thì “Tuổi thơ dữ dội” sẽ là sự lựa chọn thích hợp nhất. Hay nếu bạn hứng thú với những câu truyện thiếu nhi bên những trò nghịch phá, “Tuổi thơ dữ dội” chắc chắn cũng không làm bạn thất vọng. Hoặc, giả sử hiện tại, bạn đang muốn giải trí và tìm kiếm những mẩu chuyện hài, còn gì hay hơn khi ôm bụng cười tới chảy nước mắt với những câu chuyện tếu táo, hóm hỉnh của các cậu bé. Còn nếu bạn hướng đến một cái gì đó thật cảm động, sâu sắc, thì “Tuổi thơ dữ dội” chắc chắn cũng sẽ khiến bạn ứa nước mắt nghẹn ngào.
Tác giả: Nguyễn Nhiên – Bookademy
—
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về:
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn