(VOV5) -Rời cõi dương thế ở tuổi 90, Giáo sư Nguyễn Tài Thu để lại cho hậu thế cả một kho tàng kiến thức về châm cứu và là “tấm gương lớn” cả về y thuật lẫn y đức.
Đang xem: Bệnh viện châm cứu nguyễn tài thu
Giáo sư Nguyễn Tài Thu- Anh hùng lao động, nguyên Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương được mệnh danh là “Thần Kim”. Ông là người đầu tiên ở nước ta đưa kỹ thuật “tân châm”, sử dụng những chiếc kim to, dài hàng chục cm thay thế những chiếc kim châm cứu nhỏ truyền thống, giúp tác động điều trị tốt hơn. Nhờ “luồng gió mới” này, ngành châm cứu Việt Nam đã “cất cánh”, được thế giới thán phục. Rời cõi dương thế ở tuổi 90, Giáo sư Nguyễn Tài Thu để lại cho hậu thế cả một kho tàng kiến thức về châm cứu và là “tấm gương lớn” cả về y thuật lẫn y đức.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Được thành lập đã gần 40 năm, trên chiếc cổng lớn in dòng chữ nổi bật: “Bệnh viện Châm cứu Trung ương” nhưng từ lâu nhiều người đã quen gọi nơi đây là “Bệnh viện ông Tài Thu”. Chính Giáo sư Nguyễn Tài Thu- người có bàn tay vàng của nền châm cứu Việt Nam đã đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của bệnh viện. Những năm tháng kháng chiến, đất nước còn nhiều khó khăn, chưa sẵn thuốc gây mê, phương pháp châm tê trong phẫu thuật của Giáo sư Nguyễn Tài Thu đã giúp cho biết bao bệnh nhân và thương binh vượt qua những ca mổ. Hiệu quả của phương pháp này lên tới trên 98% góp phần quyết định cho việc lĩnh vực châm cứu được tách ra thành một “nhánh lớn” của y học cổ truyền.
GS Nguyễn Tài Thu là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực châm cứu chữa bệnh. |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Hữu Thành, nguyên Giám đốc bệnh viện, thế hệ học trò đầu tiên của Giáo sư Nguyễn Tài Thu vẫn nhớ như in những năm tháng khó khăn, nhưng người Thầy của mình đã gây dựng được Bệnh viện Châm cứu Trung ương.
Xem thêm: Cách Chữa Chân Vòng Kiềng Cho Bé, Tật Chân Cong Ở Trẻ Em
“Những ngày đầu tiên thành lập Viện phải ở nhờ tại cơ sở của Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn, đội ngũ thầy thuốc cũng mới chỉ có 50 người. Đến năm 1987 mới chuyển về 49 Thái Thịnh bây giờ cũng chỉ có mấy nếp nhà gỗ, nhưng Giáo sư Thu là người nhiệt huyết đi vận động xin tài trợ và ngân sách xây dựng…”
Sự nghiệp y thuật của Giáo sư Nguyễn Tài Thu bắt đầu năm 21 tuổi khi được sang Trung Quốc học y học cổ truyền và bén duyên với nghề châm cứu. Sau khi về nước, vị lương y này bắt đầu nghiên cứu kỹ thuật châm cứu mới, dùng kim dài gấp hàng chục lần so với kim châm cứu truyền thống, giúp tác động mạnh và nhanh hơn vào các huyết vị, rút ngắn được liệu trình điều trị cho bệnh nhân. Thời điểm đó lĩnh vực Tây y chưa phát triển mạnh nên châm cứu được kỳ vọng chữa trị tận gốc những căn bệnh khó. Trường phái châm cứu mới do Giáo sư Nguyễn Tài Thu khởi xướng đã giúp hàng nghìn bệnh nhân khỏi bệnh thần kinh tọa, rối loạn tiền đình, đau đầu, mất ngủ, liệt do tai biến mạch máu não, chấn thương tủy sống…
Ông được các thế hệ học trò và đồng nghiệp biết ơn và nhớ mãi về sự ân cần trong truyền dạy và đặc biệt là không giấu nghề: “Giáo sư Nguyễn Tài Thu là tấm gương say mê phát triển châm cứu, tâm huyết phát triển các kỹ thuật mới và hết lòng vì người bệnh. Suốt đời coi việc chữa bệnh như máu huyết, chúng tôi học được tấm lòng hết lòng vì người bệnh, hết lòng vận động ủng hộ để giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo…
– Tôi là thế hệ học trò đầu tiên về Bệnh viện Châm cứu Trung ương khi bệnh viện mới thành lập năm 1982. Thầy để lại nhiều ấn tượng trong quá trình làm việc. Tôi trân trọng Thầy ở sự tâm huyết của Thầy đối với nghề, giảng dạy rất chân thành và tận tình cho học trò.
– Đối với học trò thầy hết sức thương yêu, truyền nghề hết sức chu đáo ân cần, cầm tay chỉ việc từ những ngày đầu tiên, cách cầm kim, đưa kim vào huyệt làm thế nào để bệnh nhân không đau, điều khí được để đạt hiệu quả trong châm cứu.
– Những năm 1985-1986 chúng tôi có nhiều kỷ niệm với Giáo sư khi đi chăm sóc thương binh ở biên giới phía bắc. Ông đã đem nhiều kỹ thuật, trong đó có châm tê trong phẫu thuật và đại trường châm phục vụ sức khỏe của thương binh. Ông là người hết sức nhiệt huyết trong khám chữa bệnh cho người dân.
Xem thêm: Sự Thật Về Nghiên Cứu Mới Nhất Tại Việt Nam Khi Có Tới 40% Học Sinh Quan Hệ Tình Dục Từ Lớp 10
Với phương pháp thủy châm (đưa thuốc vào các huyệt), Giáo sư Nguyễn Tài Thu đã đưa lĩnh vực châm cứu trở thành 1 trong những phương thức chữa bệnh đỉnh cao tại Việt Nam lúc bấy giờ, kết hợp được hài hòa giữa Đông Y và Tây Y. Cũng từ đây, châm cứu Việt Nam vươn xa ra các nước khác, góp phần vun đắp tình hữu nghị, ngoại giao với nhiều quốc gia, mở được Trung tâm châm cứu tại Nga, Mexico… và đến nay đã có gần 40 nước cử bác sĩ sang Việt Nam học kỹ thuật châm cứu hoặc được thầy thuốc của Bệnh viện Châm cứu Trung ương sang chuyển giao kỹ thuật.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thanh, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương chia sẻ:“Kế thừa truyền thống cũng như sự chỉ đạo của Giáo sư Nguyễn Tài Thu, Bệnh viện Châm cứu Trung ương sẽ phát triển bệnh viện theo hướng hiện đại hóa y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại; nghiên cứu sâu thêm các phương pháp mà thầy đã nghiên cứu, truyền dạy cho chúng tôi trong điều trị các bệnh lý bại não, tự kỷ ở trẻ em…”
Ngày nay dù Tây Y đã phát triển mạnh mẽ nhưng những phương pháp châm cứu do Giáo sư Nguyễn Tài Thu nghiên cứu, sáng tạo ra vẫn có “chỗ đứng” riêng mà y học hiện đại có lúc chưa làm được. Chẳng hạn, một thời chưa có thuốc cắt cơn, kỹ thuật châm cứu và châm tê hỗ trợ cai nghiện ma túy tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã giúp cắt cơn đạt tỷ lệ hơn 90%…
Có lẽ vì thế mà Giáo sư Nguyễn Tài Thu vẫn mãi là nguồn cảm hứng để các thế hệ thầy thuốc đông y tiếp tục phát triển phương pháp y học cổ truyền vốn có thế mạnh chi phí thấp nhưng hiệu quả phòng và chữa trị bệnh vẫn cao. Người Thầy y đức đã đi xa nhưng hàng chục cuốn sách về châm cứu và lý luận đông y của ông vẫn đang là cẩm nang “chắp cánh” cho những ý tưởng mới Đông-Tây Y kết hợp trong chữa bệnh cứu người.